Các vấn đề của đáy ao nuôi tôm
Tốc độ tăng trưởng kém, bệnh tật, tỉ lệ chết xảy ra ở các ao nuôi tôm ngay cả khi mọi biến số quan trọng của chất lượng nước được đo trong cột nước ở trong mức chấp nhận được, tình trạng đáy ao xấu được cho là hạn chế nghiêm trọng đến năng suất nuôi của ao nuôi bán thâm canh và thâm canh.
Do môi trường đất đáy ao diễn ra nhiều quá trình phản ứng tác động đến chất lượng nước nên người nuôi tôm luôn phải chú trọng đến các vấn đề như là:
– Đất hữu cơ hoặc đất phèn tiềm tàng ở khu vực xây dựng ao
– Trầm tích, bùn lắng
– Chất hữu cơ tích tụ và trạng thái hoạt động yếm khí ở đáy ao.
1- Đất hữu cơ, đất phèn tiềm tàng
Ở các ao nuôi quảng canh, tôm hấp thu dinh dưỡng bằng việc ăn các sinh vật là nguồn thức ăn tự nhiên phát triển ở đất đáy ao. Sự trao đổi dinh dưỡng giữa đất đáy ao với lớp nước phủ bên trên và pH của đất đáy ao ảnh hưởng lớn đến hàm lượng dinh dưỡng có sẵn đối với thực vật phù du và tảo đáy. Tình trạng axít cao trong đất ngăn cản sự phân hủy chất hữu cơ và tái tạo dinh dưỡng, giảm sự sẵn có của phosphate qua sự hình thành phosphate nhôm và sắt không hòa tan, đồng thời có các tác động trực tiếp ức chế đến sinh vật đáy và tôm. Ở một số nơi, nguồn nước cung cấp cho ao chứa hàm lượng lớn các hạt bùn lơ lửng, sau đó chúng sẽ lắng đọng ở đáy ao và tiêu diệt động vật đáy. Lượng chất hữu cơ dư thừa trong đất có thể gây ra trạng thái yếm khí ở đáy ao tác động xấu đến sinh vật đáy và tôm. Tuy nhiên, ngoại trừ các ao làm ở vùng đất hữu cơ tự nhiên, hoặc đất phèn tiềm tàng, hoặc hàm lượng cao chất lơ lửng trong nguồn nước thì việc quản lý đất nền đáy ao không có tầm quan trọng trong nuôi quảng canh.
Ở một số vùng nuôi tôm, đất ở dạng hạt lơ lửng trong nguồn nước cấp được lấy ra thông qua quá trình lắng cặn trước khi tháo nước vào ao. Chất cặn lắng cũng có thể lấy ra khỏi ao xen kẽ giữa vụ, nhưng cách tốt hơn thường để lại cặn lắng/bùn trong các ao không, phơi khô, cày và rải vôi đáy để tăng cường phân hủy hữu cơ. Phơi quá khô và rải vôi nhiều làm chậm hoạt động của vi khuẩn và phản tác dụng. Ít khi cần bón vôi trong giai đoạn nuôi, bởi vì nước lợ có độ đệm tốt. Các ao đất phèn đáy có thể có những hạn chế pH gắt gao là do quá trình oxy hóa quặng sắt. Tốt hơn hết là bảo vệ lớp đất phèn tiềm tàng này khỏi các điều kiện oxy hóa làm sản sinh axít thay vì bỏ vào trong ao một lượng lớn vôi để trung hòa axít trong đất không được bảo vệ khỏi các điều kiện oxy hóa. Luôn luôn để nước đầy trong ao càng nhiều càng tốt. Ao không được đào sâu hơn mức cần thiết và bề mặt bờ ao nhỏ nhất có thể. Cần kiểm tra độ kiềm thường xuyên để điều chỉnh bón vôi. Công việc cải tạo ao đất phèn tiềm tàng nhanh có thể bị tác động bởi quá trình định kỳ phơi khô, rửa đáy và bờ ao cũng như chọn đúng loại vôi thích hợp.
2- Trầm tích, bùn lắng
Ở các ao nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh, lượng chất hữu cơ có thể tích tụ đáng kể ở đáy ao. Thức ăn đưa vào ao để giúp cho tôm tăng trưởng lắng xuống đáy ao và được tôm ăn gần hết. Các chất dinh dưỡng vô cơ được giải phóng vào trong nước từ quá trình phân hủy thức ăn thừa, phân tôm của vi khuẩn sẽ kích thích thực vật phù du nở hoa mật độ dày. Các tế bào thực vật phù du có đời sống ngắn ngủi, liên tục chết và chìm xuống đáy ao. Ở một số nơi, nguồn nước cấp chứa hàm lượng các chất hữu cơ đáng kể lơ lửng trong nước có thể lâu dần đọng ở đáy. Tốc độ thay nước nhiều có thể làm gia tăng lượng trầm tích và bùn. Xục khí cơ học thường xói mòn đất đáy ao ở chỗ có dòng nước chảy mạnh và tụ lại ở chỗ dòng nước chảy chậm, như thế nó sẽ biến đổi hình dạng đáy ao, giảm thể tích ao và cung cấp các chất nền hữu cơ cho vi sinh vật.
3- Chất hữu cơ tích tụ và hoạt động yếm khí ở đáy ao
Các quá trình sinh, hóa, lý diễn ra ở môi trường bề mặt lớp đất đáy ao đan xen lẫn vào nhau phức tạp liên quan đến chất lượng nước và năng suất nuôi. Thức ăn thừa, phân tôm, xác của các vi sinh vật dưới nước và đất lắng xuống đáy ao nơi mà ở đó quá trình phân hủy sinh học các chất hữu cơ cặn lắng này có thể làm giảm hoặc tụt mức oxy hòa tan. Dòng chảy của nước yếu nhất ở mặt phân giới giữa đất và nước – nơi mà vi sinh vật nhanh chóng phân hủy chất hữu cơ và lượng oxy hòa tan có thể bị tiêu hao nhanh hơn là do hoạt động của dòng chảy có thể tạo ra. Điều này có thể dẫn đến trạng thái yếm khí ở đáy ao ngay cả khi nước ở bên trên có thể đã đủ oxy hòa tan.
Trong đất và bùn ở điều kiện yếm khí, vi sinh vật có thể sản sinh ra nitrite, sắt hóa trị II, hydrogen sulfide, mêtan và giải phóng các hỗn hợp khác có thể gây hại cho tôm. Sự phân hủy yếm khí dẫn đến giảm quá trình oxy hóa khử nitrite, hydrogen sulfide tiềm tàng ở nồng độ cao và có thể sản sinh ra các chất khử khác. Việc thay nước, sục khí cơ học và tạo tuần hoàn nước thường được sử dụng để tăng oxy hòa tan, ngăn chặn sản sinh các chất khử và tăng cường phân hủy các chất hữu cơ ở đáy ao. Tuy nhiên, sự tuần hoàn nước ở tốc độ cao có thể xói mòn đáy và có thể gây ra các vấn đề lắng đọng ở các chỗ khác của đáy ao.
Ban biên tập A.T.C – Công ty TNHH Công Nghệ Sinh Học ATC
Nguồn: Soil and Sediment Management Review
Tiến sĩ Claude E. Boyd – Khoa Thủy sản và liên minh Nuôi trồng thủy sản – Đại học Auburn – Alabama 36849 USA
Gửi phản hồi